Làm thế nào để ăn nói có duyên
Dù trong bất cứ lĩnh vực nào, thương lượng, đàm phán hay xã giao bình thường, lời ăn tiếng nói bao giờ cũng đóng một vai trò rất quan trọng, vừa giúp gây ấn tượng tốt, vừa mang lại hiệu quả giao tiếp cao hơn...
Ăn nói có duyên là một trong những giá trị không dễ thực hành của nghệ thuật “đắc nhân tâm”.
Theo các nhà tâm lý, trong một cuộc nói chuyện thường có bốn yếu tố tác động tương hỗ giữa đôi bên đó là: (l) Bạn cảm thấy thế nào về chính mình, (2) Bạn cảm thấy thế nào về đối phương, (3) Đối phương cảm thấy thế nào về bạn và (4) Đối phương cảm thấy thế nào về chính anh ta. Mặc dù cả ba yếu tố đầu đều rất quan trọng, nhưng chìa khóa chính dẫn đến thành công trong giao tiếp lại nằm ở yếu tố sau cùng, tức làm thế nào để đối phương luôn cảm thấy hài lòng, tự tin và thoải mái về chính bản thân anh ta.
Giao tiếp là một nghệ thuật luôn mang đậm nét “cái tôi” của mỗi người. ""Cái tôi” đó thể hiện ở lối sử dụng ngôn từ, ở âm điệu, tâm trạng cũng như phong cách nói chuyện (thân mật, giản dị, trau chuốt hay trang trọng...).
Các nhà tâm lý cho rằng khi một trong hai bên không thể tinh tế nắm bắt được ""cái tôi"" đó của nhau, tình trạng “sốc giao tiếp"" chắc chắn sẽ xảy ra, nhất là khi hai bên đến từ hai nền văn hóa khác nhau. Ngay cả những khác biệt nhỏ về văn hóa ứng xử như cách bắt tay, lối chào hỏi, xưng hô... cũng có thể gây ra những hiểu lầm đáng tiếc, thậm chí gây phản cảm cho đối phương.
Cách lựa chọn nội dung giao tiếp vì thế rất quan trọng. Người ăn nói có duyên phải biết cách nắm bắt tâm lý và sở thích của đối phương, từ đó chọn lựa nội dung đối thoại một cách phù hợp.
Cuộc sống càng bận rộn, con người càng cần những giây phút ngồi bên nhau hàn huyên tâm sự. Sau những giờ phút bộn bề với công việc, người ta tìm đến với nhau để tìm sự đồng cảm thoải mái, để không còn bứt rứt, khó chịu thêm nữa. Và cũng từ những giờ phút đàm đạo thâm tình đó, không ít người đã tìm được những tri âm, tri kỷ cho cuộc sống tinh thần của mình.
Giao tiếp không đơn thuần chỉ là nói cho nhau biết chuyện này, chuỵện khác, mà còn là cơ hội để mọi người xích lại gần nhau, cả trong quan hệ tình cảm lẫn trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Một chuyên gia tâm lý từng nói: ""Không phải điều gì khác, chính trò chuyện mới là cách giúp mỗi người tìm lại chính mình nhanh nhất và hiệu quả nhất”.
Trong giao tiếp, lời nói và thái độ là hai tác nhân có ảnh hưởng đến tâm lý mạnh mẽ nhất, mà qua đó nhiều thông điệp ngầm sẽ được biểu hiện và nếu tinh ý, ta có thể dễ dàng nhận biết con người thật của đối phương. Bày tỏ thái độ thân thiện, ăn nói điềm đạm và quan tâm đúng mức là nghệ thuật tranh thủ tình cảm ban đầu của đối phương một cách hiệu quả nhất.
Thêm vào đó, một chút hóm hỉnh, hài hước đúng lúc cũng là chất xúc tác không thể thiếu. Nét duyên của người tham gia giao tiếp là biết cách ""pha"" những câu nói hay cử chỉ hài hước nhẹ nhàng, tinh tế vào câu chuyện, nhằm giúp không khí trở nên thân mật, cởi mở hơn. Sự hưởng ứng kịp thời trước những lúc "cao hứng” của đối phương cũng rất quan trọng, đó là tiêu chí đánh giá sự tinh tế của một người trong nghệ thuật ứng xử.
Tuy nhiên, giao tiếp đôi khi cũng cần có những khoảng lặng đúng lúc, tất nhiên đó phải là những khoảng lặng tâm linh có chiều sâu, nơi mà đôi bên có thể giao thoa với nhau bằng tâm tưởng hoặc cảm xúc chân thật. Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy không có gì lạ khi hai người bạn tâm giao ngồi “chén thù chén tạc” bên nhau suốt cả buổi mà chẳng cần nói với nhau lời nào. Trong giao tiếp, khi sự đồng cảm lên tới đỉnh điểm thì ngôn ngữ tuyệt vời nhất lại chính là... phi ngôn ngữ!
Làm thế nào để ăn nói có duyên Theo DNSG Cuối tuần