Làm thế nào để bảo vệ môi trường
Diễn đàn tri thức “Tuổi trẻ với kiểm soát và bảo vệ môi trường” 16/6 tại Hà Nội do TW Hội SVVN phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức thu hút hàng trăm HSSV đến từ các tỉnh thành trong cả nước.
Nhiều ý tưởng, sáng tạo của thanh niên trong việc tuyên truyền và các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ môi trường được công bố tại diễn đàn gây không ít ngạc nhiên và cảm phục của giới chuyên gia...
Từ những ý tưởng sáng tạo
3 mô hình bảo vệ môi trường đang áp dụng thành công trên thực tế đã được trình bày ngay phần đầu của diễn đàn thu hút sự quan tâm của bạn trẻ không chỉ vì mang ý nghĩa môi trường.
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, “giọt nước” rất thiêng liêng và là nguồn nước chủ yếu dùng cho sinh hoạt.
“Giọt nước” là nơi kết thúc của các mạch nước ngầm có lưu lượng dòng chảy nhỏ, dài theo hướng từ cao xuống thấp hoặc là nơi chứa nước từ các khe núi và nằm khá xa buôn làng.
Hiện nay, nguồn nước này bị ô nhiễm nặng do lá cây mục, xác động vật, phân gia súc chăn thả rông… Đó là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng ốm đau, bệnh tật như ghẻ lở, sốt rét, tiêu chảy trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Trước thực trạng đó, TW Đoàn đã chỉ đạo thực hiện mô hình “Cải tạo và làm sạch giọt nước” bằng cách huy động thanh niên tình nguyện (TNTN) và TN tại địa phương cùng tham gia góp sức tuyên truyền rồi sau đó xây dựng các hạng mục công trình như đập tràn, bể lọc, nhà tắm quây và ống lấy nước ở “giọt nước”.
Mô hình đã tiến hành thành công tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum trước sự vui mừng khôn xiết của bà con các dân tộc.
Mô hình “Đội thanh niên tình nguyện vì môi trường xanh-sạch-đẹp” ở xã Yên Thắng (Ý Yên-Nam Định) với sự tham gia của 45 ĐVTN, hàng ngày từ 17h30- 18h30, đội tiến hành thu gom rác thải và phế liệu từ các hộ gia đình, tập kết vào các hố rác công cộng và tập trung phân loại xử lý.
(Làm thế nào để bảo vệ môi trường )
Vào thứ bảy, chủ nhật cùng với người dân, các đội viên tiến hành phát quang bụi rậm, vệ sinh mặt nước ao hồ, giúp đỡ người dân vệ sinh chuồng trại chăn nuôi…
Sau một thời gian thực hiện, đến nay 17/17 thôn, xóm đã xây dựng hố rác nhỏ nơi công cộng, các khu vực làng xã đều có bãi đỗ và chôn rác đúng quy định, điều kiện sinh hoạt nếp sống mới được cải thiện nâng lên.
Anh Phạm Ngọc Dũng, đại diện Chi hội Bảo tồn Thừa Thiên Huế đã trình bày mô hình “Giáo dục môi trường qua hình thức Trại thiên nhiên”.
Sau khi tham gia, các học sinh hiểu biết sâu hơn về thế giới động thực vật và biết cách bảo vệ chúng tránh khỏi sự tàn phá của con người khi chính các em trở thành tuyên truyền viên tích cực.
Công tác bảo vệ môi trường không chỉ được thực hiện trong các đợt ra quân mà xuất hiện nhiều hơn trong các đề tài nghiên cứu khoa học, tốt nghiệp của SV chuyên ngành khoa học môi trường.
Bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất
Sau khi xem trình diễn từ các mô hình, điều đơn giản mà bấy lâu không phải SV nào cũng nhận ra: muốn tham gia các chiến dịch ở những địa bàn khác thì trước hết họ phải có ý thức giữ gìn và bảo vệ chính môi trường sống xung quanh mình.
Quách Hồng Thuận (SV-ĐH Giao thông Vận tải) bày tỏ bức xúc khi tại những điểm chờ xe buýt không có thùng đựng rác làm cho khách hàng “vô tình” thành người xả rác gây ô nhiễm, mất mỹ quan đường phố.
Thuận nói: “Em rất muốn tham gia hoạt động tình nguyện vì môi trường nhưng chưa biết phải liên hệ với ai và bắt đầu như thế nào?”.
Về phần mình, Nguyễn Thị Thơ- ĐH Dân lập Phương Đông cho rằng ý thức của người dân chưa cao vì ngay tại nơi mình sinh sống họ chưa thực sự quan tâm, thậm chí họ “thản nhiên” vứt rác ngay tại nơi treo các khẩu hiệu, băng rôn về tuyên truyền bảo vệ môi trường!
Theo Nguyễn Thị Thơ, mỗi SV phải năng động tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, góp sức bảo vệ môi trường ngay tại nơi mình sinh sống.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo vệ môi trường ở các địa phương, Nguyễn Hồng Hạnh nhóm NUS-84 với đề tài “Nghiên cứu và truyền thông môi trường cho cộng đồng tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình” (đạt giải 3 lễ trao giải Đất ngập nước khu vực sông Mêkông do WWF tổ chức) có ý kiến, muốn triển khai tốt hoạt động cần phối hợp với lực lượng có sẵn tại địa phương, đặc biệt là Đoàn TN.
Ngay trong những ngày đầu tiến hành đề tài ở Ninh Bình, nhóm NUS-84 đã làm sạch sân kho Tập Ninh mà ban đầu ai cũng tưởng là…ao nước ô nhiễm. Từ những việc tưởng chừng nhỏ nhưng không nhỏ mà nhóm đã được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cụ già tới trẻ nhỏ, ý thức của người dân nơi đây có sự chuyển biến rõ rệt chỉ trong…1 tuần.
Hạnh nói: “TN phải luôn đi đầu trong việc khó. Không cần lúc nào cũng phải ra quân rầm rộ mà với những việc làm đơn giản, thiết thực sẽ thuyết phục và hiệu quả hơn”.
Làm thế nào để bảo vệ môi trường by tienphong