Làm thế nào để bé ngủ ngon
Chất lượng giấc ngủ của trẻ phụ thuộc vào 3 yếu tố: nhịp sinh học thức - ngủ, cách thức cho ăn và điều kiện môi trường. Khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ, nên kiểm tra để tác động vào các yếu tố đó hơn là dùng thuốc an thần.
Giấc ngủ của trẻ nhỏ rất khác với người trưởng thành và trẻ lớn, Vì vậy, để biết trẻ có bị rối loạn giấc ngủ hay không, cần dựa vào các đặc điểm sinh lý, tính chất và nhịp sinh học của trẻ nhỏ.
Trẻ sơ sinh ngủ trung bình mỗi ngày tới 16-17 tiếng đồng hồ và chia thành những chu kỳ "thức-ngủ" cứ 3 tiếng một, không kể ngày đêm. Lên 3 tháng tuổi, trẻ ngủ 15 tiếng/ngày nhưng nhịp "thức-ngủ" có thay đổi: giấc ngủ về đêm kéo dài hơn (có thể liên tục tới 7 tiếng) và thời gian thức ban ngày nhiều hơn. Tới 4 tháng tuổi, trẻ ngủ ngày ít dần và số giờ ngủ cũng giảm dần. Trẻ 1 tuổi chỉ còn ngủ 13 tiếng/ngày và trẻ 3-5 tuổi ngủ 12 tiếng/ngày.
Giấc ngủ của trẻ nhỏ tuy không trải qua nhiều giai đoạn như người lớn nhưng cũng gồm có 2 giai đoạn rõ rệt:
- Giai đoạn ngủ yên tĩnh: Nhịp thở trở nên đều đặn dần (tương ứng với các giai đoạn từ ngủ nông đến ngủ sâu ở người lớn).
- Giai đoạn ngủ xáo động: Có các cử động như ngọ nguậy chân tay, mếu, cười trong khi ngủ (tương ứng với giai đoạn xuất hiện mộng mị ở người lớn).
Các nhà nghiên cứu cho rằng giai đoạn ngủ yên tĩnh giúp trẻ phục hồi năng lượng tiêu hao cho các hoạt động khi thức và tăng trưởng về thể chất (các hoóc môn tăng trưởng được tiết ra nhiều trong giai đoạn này). Còn giai đoạn ngủ xáo động lại giúp trẻ tái tạo các hình ảnh nhìn thấy lúc thức để hình thành các hoạt động tâm trí. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức quan tâm đến giấc ngủ của con mình ngay từ khi lọt lòng.
Việc trẻ nhỏ ngủ được tốt hay không liên quan tới 3 nhân tố sau:
- Nhịp sinh học "thức-ngủ" của trẻ có được tôn trọng hay không:
Nhiều bà mẹ nuôi con quá cứng nhắc về giờ giấc cho bú, cho ăn nên đã vô tình quấy rối giấc ngủ của trẻ. Nên nhớ rằng trẻ mới đẻ đã có chu kỳ "thức -ngủ" phân bố đều đặn, trẻ sẽ bú khi thức giấc.
- Cách thức cho trẻ bú, trẻ ăn đã hợp lý chưa: Cho trẻ nhỏ bú hoặc ăn quá no cũng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
- Điều kiện môi trường có tốt cho giấc ngủ không: Ánh sáng mạnh, tiếng ồn nhiều cũng làm cho trẻ nhỏ khó ngủ hoặc dễ thức giấc. Ở gia đình mà bố mẹ thức quá khuya, xem tivi quá muộn, trẻ sẽ bị lôi cuốn vào nhịp sinh học của người lớn, nếu sáng hôm sau phải dậy sớm để đi nhà trẻ, mẫu giáo... thì sẽ bị thiếu ngủ trường diễn!
Đối với trẻ nhỏ, việc thiếu tương tác tốt mẹ-con (mẹ hay vắng mặt hoặc ít quan tâm, thiếu ấp ủ, vỗ về, ru nựng con...) cũng dễ làm cho trẻ lo hãi, thiếu cảm giác an toàn trong đêm tối và mất ngủ.
Làm thế nào để bé ngủ ngon by GS Phạm Kim, Sức Khỏe & Đời Sống